¥ 0
© 2025 — Hai Le

DU BẠCH MÃ SƠN

Tôi muốn kiếm tìm đâu đó một nơi có tuyết rơi, chợt thấy trên mạng người ta nói về một chỗ có tên là núi Bạch Mã. Nơi này xa Đông Kinh mấy trăm dặm về hướng Tây Nam, dường như được biết tới là một nơi có tuyết sớm không thua Bắc Hải Đạo. Dưới chân Bạch Mã Sơn là thôn Bạch Mã. Nhìn trên bản đồ, thấy địa danh hiện ra giữa bốn bề núi xanh, cảm tưởng đây là một nơi sơn thôn heo hút cô quạnh với tuyết phủ trắng trời. Cũng nhớ về tên cái tuồng cải lương Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn của soạn giả Yên Lang mà ba tôi hay nghe khi tôi còn ở nhà. Muốn tới nơi coi kiệu hoa của cô Phùng Cẩm Loan có bình yên về tới nhà họ Trác và Huyết Long Kỳ có thiệt ở đó không (cười). Vậy thì cứ lên đường mà đi.

Dịch trạm Đông Kinh từ sáng sớm đã đông người như chợ tết, nhưng dường như ai nấy vô ngôn, tôi không nghe tiếng người, chỉ nghe tiếng điện xa lăn bánh rì rì trên thiết đạo. Cả nhà tôi mua vé khởi hành lúc trời vừa nắng lên. Tiếng bổn xứ kêu cái vé là “kippu”, âm Việt là “thiết phù”, cầm “thiết phù” trong tay để đi chơi mà âm điệu nghe như thể người đời xưa cầm “binh phù” đi điều binh khiển tướng, thiệt là một chuyện thú vị của chữ nghĩa.

Điện xa Tân Cán Tuyến chạy nhanh như bay, hai màng nhĩ tôi lùng bùng giống y như khi phi cơ cất cánh khỏi phi đạo. Mới chớp mắt, cảnh Đông Kinh đô hội đã không thấy đâu, thay vào đó là cảnh đồng ruộng đang phơi mình trong mùa đông khô khốc và gió lạnh phương Bắc. Nhấp thêm mấy hớp cà phê, ăn miếng bánh mì đem theo, nhìn ra cửa sổ đã bất giác thấy sừng sững núi non, hồng diệp bạt ngàn, vân yên lãng đãng, cảnh vật vô cùng trác tuyệt.

Nhân sinh như mộng, được một khoảnh khắc bình an ấm áp này thôi cũng đã thấy đáng giá hơn chuyện vua chúa đời xưa nắm trong tay binh phù của trăm vạn hùng sư hay ấn triện của bao nhiêu thành quách. Mải mê bận bịu công việc lâu ngày, được những ngày đầu óc giãn ra, thấy biết ơn vì tất cả những điều đã đến trong cuộc đời này. Chợt nhớ về bốn nguyên tắc sống mà người ta hay nói là tâm niệm và cách sống của những người Ấn Độ giác ngộ:

  1. Bất cứ người nào từng gặp cũng là người nên gặp.
  2. Bất cứ chuyện gì đã xảy ra cũng là chuyện nên xảy ra.
  3. Dù chuyện xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, đó cũng là thời điểm thích hợp nhất.
    và cuối cùng:
  4. Chuyện gì đã qua, cho qua.

Từ ngày còn học cấp III và bắt gặp bốn nguyên tắc này, tôi đã say mê và luon tâm niệm như vậy, trong lòng có thể thấy nhẹ nhàng và yên hàn dù có chuyện gì xảy ra. Tất nhiên, như một con người có đủ hỉ nộ ái ố, có những lúc lười biếng và thả rông kệ cho lòng mình vui buồn mưa nắng. Những lần như vậy rồi ngồi nghĩ lại, nguyên nhân tạo ra phiền não – phần lớn – có lẽ chính là không sống trong thực tại ở đây bây giờ. Nhìn cảnh núi non hùng vĩ, không gian khoáng đạt, chợt nhớ lại bốn điều này, có thể thở nhẹ mỉm cười vì những nút thắt trong lòng mình cũng chỉ là tự mình thắt tự mình cởi ra thôi vậy.

Bạch Mã Sơn nằm trong địa hạt tỉnh Trường Dã, một tỉnh có địa hình núi non hiểm trở bậc nhất Phù Tang. Nơi này ngày xưa được gọi là Tín Châu hoặc Tín Nồng Quốc. Tín Châu có đường Trung Sơn Đạo cắt ngang, kết nối Kinh Đô (Kyoto) với vùng Giang Hộ trù phú (Tokyo ngày nay). Vì vậy, đi dạo nơi đây và biết đâu gặp may, rất có thể chúng ta đang đứng trên những con đường của ngàn năm trước. Nhiều nơi ở Trường Dã vẫn còn những đoạn đường với đầy các di tích của các dịch trạm của khách bộ hành ngày xưa, cũng không ít những lữ quán từ thời trước khi đức tiên đế Minh Trị cho làm đường thiết đạo từ Đông Kinh tới nơi này.

Bản đồ Trung Sơn Đạo (,àu xanh lá cây) cắt ngang tỉnh Trường Dã

Không biết nguồn gốc từ đâu có địa danh Tín Châu này, nhưng người nơi này thì có lòng hiếu khách và lời chỉ đường của họ thật rất đáng tin cậy. Tôi hỏi đường ba người, là một em học sinh trung học, một cô chủ quán cà phê và một cô nhân viên bán hàng của quán thổ sản, tất cả đều nhiệt tâm chỉ dẫn và giúp tôi tới được nơi cần tới. Em học sinh còn nhiệt tình dẫn tôi tới tận trạm xe khách và chỉ giờ giấc rồi mới yên tâm đi.

Xe khởi hành, trên xe vắng hoe, bắt đầu rời dịch trạm Trường Dã để leo vào sâu trong đường núi. Dọc đường cảnh vật đẹp như tranh vẽ, những sơn thôn nho nhỏ nằm dưới chân các ngọn đồi, hồng diệp thi nhau khoe sắc áo mới nhuộm màu cả cánh rừng, các vườn rau nhỏ nhỏ cạnh bờ suối xanh, núi muôn trùng núi, mây vạn trùng mây, thấp thoáng xa xa đã thấy bóng tuyết sơn nối đất với trời, mây và tuyết hòa lẫn làm một. Tưởng tượng người samurai thời xưa từ biệt vợ con ở thôn Bạch Mã để đi lên thành Giang Hộ lập nghiệp, chia tay nhau qua mấy dặm quan san này, bất giác lời Chinh Phụ Ngâm từ đời nào vọng lại:

“Dứt tay theo lớp mây đưa.
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
Chàng thì chạy cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Những màu mây biếc, cũng ngần núi xanh
Chốn Hàm Kinh chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãi trông sang.
Khói Dương Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Dương Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
…”

Lại tưởng tượng về tâm tình của người chinh phụ trong bài, nàng hiền dịu không có khinh rẻ chồng trong buổi hàn vi như bà vợ của ông Tô Tần, mà nàng chỉ ước được ngày chồng vợ sum vầy, để nàng có thể cất áo bào cho chồng, để nàng có thể phủi sạch bụi đường trên áo giáp của chồng, để nàng điểm trang mặt mũi mình cho xinh đẹp mà đón chồng về…

“Xin vì chàng cất bào cởi giáp,
Xin vì chàng giũ lớp phong sương.
Vì chàng tay chuốc chén vàng,
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.
Giở khăn lệ, chàng trông từng tấm,
Ðọc thơ sầu, chàng thấm từng câu.
Câu vui đổi với câu sầu…”

Trong lòng nghĩ người nào kiếm được người vợ hiền như vậy thì đúng là sinh ra không uổng một đời vậy.

Nhìn núi non, đọc thơ xưa, thấy tâm tình cao đẹp của tiền nhân như sống lại ở đời này, tâm hồn tràn ngập một cảm giác biết ơn, đọc qua thiên kinh vạn điển không bằng cảm nhận được một chút tâm tình của người vợ trong bài thơ này vậy.

Xe tới thôn Bạch Mã, tuyết phủ trắng xóa bốn bề, đường sá sạch sẽ, hơi lạnh dìu dịu trong không gian. Cả tiếng quạ kêu cũng không có, không thấy ai đi bộ ngoài đường dù là buổi trưa ngày nghỉ, chỉ có vài chiếc xe hơi chạy vội qua. Phía xa, Bạch Mã Sơn trắng như bông, tuyết phủ ngập như thể vun đống từ dưới đất lên tới trời rồi tan ra thành mây trắng.

Trước dịch trạm thôn Bạch Mã có một tiệm ăn, trên lầu có mấy món thông dụng ở đâu cũng có, nhưng nhờ đi bộ nhiều, mà ăn thấy ngon, mượn một chung rượu Bát Hải Sơn ấm nóng cho hồn phiêu diêu, khà ra một cái cho bao nhiêu phiền não nhân sinh cũng theo đó tan đi theo hơi men, chỉ còn niềm vui thường tại.

Select your currency
JPY Đơn vị tiền Yên Nhật
0
    0
    GIỎ HÀNG
    Your cart is emptyReturn to Shop