¥ 0
© 2024 — Hai Le

BẮC KIM THANG

Con nít chơi trò Bắc Kim Thang

Liên quan đến bài đồng dao này, cũng có nhiều giả thiết và cả lý giải sai lầm về ý nghĩa của nó. Mà thủ phạm là mấy vị được phong hoặc tự phong là “nhà nghiên cứu Nam bộ” (sic!). Đọc trên mấy tờ báo mạng, có ông tiến sĩ thì quả quyết “cà rang bí rợ” là nói trại từ “cà lang bí rợ” và khẳng định đó là những đống nông sản 🤣 ông khác thì liều hơn nói “bắc kim thang” là sai mà phải là “bắt Kim Than” tức là bắt con ngựa màu đen như cục than… Có người thì còn chế ra câu chuyện rùng rợn về các nhân vật trong bài đồng dao với đủ các tình tiết giật gân.

Đọc mấy bài đó, chỉ biết phì cười. Tiếc là mấy kiểu nguỵ thuyết này nó lưu hành quá rộng rồi, con em miền Tây không khéo lại bị sai theo. Bây giờ cùng đọc lại một lượt cả bài:

“Bắc kim thang cà lang bí rợ
Cột qua kèo là kèo qua cột
Chú bán dầu qua cầu mà té
Chú bán ếch ở lại làm chi
Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.”

Bài đồng dao này được ca ở nhiều nơi, nhưng có thể biết nó xuất phát từ miền Tây vì bốn chữ “cà lang bí rợ”. Bốn chữ này nếu là dân nơi khác, chắc chắn hiểu lầm như mấy người đã nhắc ở đầu bài. “Cà lang bí rợ” không phải là nông sản rau củ gì hết trọi, nó là một cách CỘT DÂY, u là trời 🥲 Cà lang bí rợ là cách cột dây nhanh, túm hai đầu dây rồi cứ vậy và vặn xoắn thật nhanh theo một chiều sau đó thả nhẹ tay cho dây chùng lại một chút cho nó tự siết lại và tự cuốn tròn như con ốc, sau đó chỉ cần nhét nhẹ hai đầu dây vào bên dưới mối xoắn là xong.

Bắc kim thang có hai cách hiểu, một là bắc giàn hình chữ A cho dây đậu leo lên; hai là làm một cái hình tam giác cân bằng cây có ba chân, dùng để trong cái nồi hấp bánh hoặc là chưng mắm. Trong bài ca này, cần hiểu theo cách thứ hai. Lý do, bài ca này không phải ngồi yên mà ca, nhưng là ca trong một trò chơi mà ba đứa con nít móc ba cái chân vào nhau, một chân đứng trụ, còn chân kia thì chân đứa này gác lên chân đứa khác, gài lại thành một kiểu kết nối y như làm cái kim thang.

Sau khi gài chân xong thì mới ca và nhảy theo vòng tròn, càng nhảy càng nhanh, cho tới khi trật giuộc sứt ra, đứa nào cả hai bàn chân chạm đất hoặc mất thăng bằng té ngã là coi như thua, đứa nào đứng lại cuối cùng là thắng, mấy đứa đứng ngoài cũng vừa ca vừa vỗ tay phụ hoạ, thấy đứa nào té ngã thì cả đám vui cười chúi nhủi.

Cách hiểu theo văn bản sẽ khiến mọi thứ cực kỳ tối nghĩa, nhưng đặt nội dung bài ca này vào trò chơi sẽ rất rõ ràng rành mạch. Vấn đề duy nhất ở đây là giải mã các từ ngữ lạ tai để giới trẻ có thể hiểu được văn bản và qua đó thấy được sự tái hiện của nó trong bối cảnh trò chơi:

cách cột dây cà lang bí rợ và mô phỏng cái kim thang bằng bìa cứng

Kim thang: cái tam giác bằng cây có ba chân; bắc kim thang: tạo ra cái kim thang.

Cột qua kèo là kèo qua cột: cái kim thang thì đóng đều đẹp và không có gối các thanh gỗ lên nhau, nhưng khi chơi trò bắc kim thang thì chân đứa này gài lên chân đứa kia làm kèo, ba chân trụ làm ba cây cột.

Chú bán dầu qua cầu mà té: ngày xưa chỉ có cầu tre hay cầu độc mộc và cầu ván, vì vậy khi gánh dầu đi qua cầu này, dầu sóng sánh đổ ra thì trơn trợt bậc nhất, vì thế đứa té ngã đầu tiên chính là chú bán dầu đi qua cầu vậy.

Chú bán ếch ở lại làm chi: có lẽ nhiều nơi khác cũng có cách nói tương tự, dân miền Tây cũng dùng “chụp ếch” là cách nói vui của chuyện té ngã. Đây là đứa thứ hai bị té và trò chơi kết thúc.

Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te

Đây là hai đứa đứng chầu rìa bên ngoài, khi hai đứa kia bị té thì tụi nó cười vui và sẽ được thay vào chơi vòng mới, hai đứa bị té sẽ ra chầu rìa. Cần lưu ý, “đánh trống thổi kèn” cần hiểu là sự vui vẻ khoa trương tỏ ra cho người khác biết chứ không phải hiểu là đánh trống và thổi kèn. Tương tự “thổi tò tí te”, “gáy o o”, “nổ râm ran” … là mô tả thái độ tự mãn mình làm được còn người khác thì không.

Vì sao là con le le và con bìm bịp, thì tại nó vần và âm điệu của nó phù hợp với bài ca. Không tin bạn thử đổi hai con khác xem sao, chỏi bản họng luôn. 😅 Cùng mô thức gieo vần nhưng không theo logic nào, chúng ta có bài vè Bậu Lỡ Thời cũng khá nổi tiếng:

Ống tre khô người ta còn chuộng
Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
Giấy trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái lột da
Nhái lột da người ta còn xáo
Bậu lỡ thời như áo vá vai
Áo vá vai người ta còn bận
Bậu lỡ thời như rận cắn đêm
Rận cắn đêm người ta còn bắt
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như cánh chim bay
Cánh chim bay người ta còn bắn
Bậu lỡ thời như rắn cụt đuôi
Rắn cụt đuôi người ta còn sợ
Bậu lỡ thời như nợ kéo lôi
Nợ kéo lôi người ta còn trả
Bậu lỡ thời như trã nấu ăn
Trã nấu ăn người ta còn rửa
Bậu lỡ thời như lửa cháy lan
Lửa cháy lan người ta còn tưới
Bậu lỡ thời như lưới giăng ngang
Lưới giăng ngang người ta còn cuốn
Bậu lỡ thời ai muốn mà ưng

Như tôi đã thưa ở mấy bài trước, dân miền Tây thích kiểu WYSIWYG – What You See Is What You Get, không ưa mấy cách nói chuyện thâm nho hay tầm chương trích cú. Nên nếu muốn giải mã được đúng những gì của miền Tây lưu truyền mà không dựa trên nguyên tắc này thì chắc chắn sa vào tư biện, lý giải bậy bạ theo ý riêng thậm chí là bịa đặt nguỵ thuyết để giải quyết bản văn.

Tôi cũng từng đi điền dã khắp vùng An Giang để chơi, tới Cái Dầu, tới Nhà Bàng, tới Bảy Thưa, tìm hiểu coi có cơ may nào hình ảnh “chú bán dầu” và “chú bán ếch” có liên quan gì tới những nghĩa sĩ kháng Pháp như Đức Quản Cơ Trần Văn Thành hay con trai ông là Cậu Hai Nhu, trong lúc đại sự khởi nghĩa bất thành, chạy trốn sự ruồng bố của quân Pháp, đã dùng những lời ca này như mật hiệu để báo cho tướng sĩ và đồ đệ biết rằng mình vẫn bình an vô sự?

Tuy nhiên cũng giống như mò trăng dưới đáy nước, không có đủ manh mối để nói lên được điều gì.

Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với chuyện bài ca này là một bài đồng dao dễ thương trong sáng và gắn liền với trò chơi tuổi thơ. Những nỗ lực lý giải bậy bạ hoặc gán ghép những câu chuyện rùng rợn vô căn cứ chỉ là sáng tạo của người đời nay và không liên quan gì tới di sản quý giá của tiền nhân Nam kỳ.

Bài kế tiếp chúng ta sẽ bàn về chuyện xâm lăng văn hoá và một số dấu hiệu của tự nô dịch vì vô tri, mong anh em đón đọc và cùng bình luận.

Vậy heng!

Select your currency
JPY Đơn vị tiền Yên Nhật
0
    0
    GIỎ HÀNG
    Your cart is emptyReturn to Shop