¥ 0
© 2024 — Hai Le

MÚT MÙA LỆ THUỶ, MÚT CHỈ CÀ THA LÀ CÁI GÌ

Cô Lệ Thuỷ lúc trẻ

MÚT MÙA LỆ THUỶ

Sẵn mọi người quan tâm chuyện phương ngữ, tôi cũng muốn thưa tiếp về câu này.

Nghĩa của nó là trạng thái thời gian rất lâu, rất dài, hoặc không gian rất xa. Ví dụ như: “vượt biên rồi bị bắt, bị đưa đi Bến Giá mút mùa Lệ Thuỷ”; “cái kinh này sâu miệt trong bưng, chèo xuồng mút mùa Lệ Thuỷ”; “anh làm gì mà lâu quá, em ngồi chờ mút mùa Lệ Thuỷ ngoài Thảo Cầm Viên”…

Lệ Thuỷ ở đây, hầu như dân Nam Kỳ nói chung đều hiểu là cô đào cải lương Lệ Thuỷ. Dân Nam mê cải lương, hay dùng mấy đặc tính của các vị đào kép cải lương trên sân khấu để tô điểm cho câu nói so sánh: đẹp như Thanh Nga, độc như Diệp Lang (con xin lỗi bác Diệp Lang!🙏), tếu cỡ Văn Hường, già như Ngọc Nuôi… Ông nào lên báo nói đây dứt khoát không phải cô Lệ Thuỷ mà là câu nói tả chiều dài của cánh đồng lúa ở huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình, dân Nam nghe xong phì cười: dòng thứ điên! 🤣

Tất nhiên câu này không phải của riêng dân miền Tây, người Sài Gòn cũng xài rất nhiều. Vì vậy cách giải thích chữ “mùa” ở đây là mùa lúa là không chính xác. Do đó không thể nói nghĩa là đi theo gánh hát coi Lệ Thuỷ ca cho tới hết mùa lúa. Dân Nam chế thành ngữ, phần lớn thẳng thắn nhìn sao nói vậy kiểu WYSIWIS như Mỹ. Thậm chí có nhiều trường hợp không nhất thiết có nghĩa cụ thể mà chỉ nhằm tô điểm câu văn cho thêm thanh điệu.

Trong câu này, chữ “mút mùa” đã đầy đủ ý nghĩa, thành tố “Lệ Thuỷ” có giá trị nhấn mạnh và tô điểm thêm màu sắc cảm tình.

Cô Lệ Thuỷ thời trẻ có giọng ca rất trong, diễn mấy vai nữ hiệp khỏi chê mà ca mấy vai đào mùi đào thương thì càng khiến người nghe mê mẩn. Dân Nam nhiều người ghiền giọng ca cô đào Lệ Thuỷ mà bỏ ăn bỏ ngủ. Giọng ca trong trẻo của cô trong tuồng Xin Một Lần Yêu Nhau, tuồng Nửa Đời Hương Phấn, tuồng Đêm Lạnh Chùa Hoang hay tuồng Người Tình Trên Chiến Trận…, cũng như cuộc đời mấy nhân vật mà cô đóng để lại cảm giác hoang liêu xa xăm trong lòng khách mộ điệu qua nhiều thế hệ. Cái tên Lệ Thuỷ cũng từ đó gợi lên sự xa xăm, bi thương man mác, rất hợp với cảnh tình người xứ Nam Kỳ. Cái chất của cô Lệ Thuỷ riêng biệt và không bị lẫn vào bất cứ cô đào nào trước và sau hay cùng thời. Cho nên mút mùa thì … Lệ Thuỷ chứ chẳng có Mỹ Châu hay Bạch Tuyết – dù hai cô đào này cũng nổi danh và được yêu mến không kém.

Không biết ai đã bắt đầu nói “mút mùa” rồi thêm chữ Lệ Thuỷ, nhưng nó có tính đại chúng và lan truyền ghê gớm. Câu này không cần hiểu theo lối tầm chương trích cú, vì nó là câu nói trữ tình chứ không phải điển tích, và câu văn cũng đã rõ nghĩa như đã nói ở phần trên. Đây cũng là thành ngữ mới ở Nam Kỳ, tương tự như mấy câu “xưa rồi Diễm” từ bài ca Diễm Xưa; “đi Bến Giá” là chỉ chuyện đi tù cải tạo; “thanh minh thanh nga” là biện hộ giải thích chuyện gì, xuất xứ từ tên đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga của vợ chồng ông Năm Nghĩa.

Cũng cần phải đá qua thêm chữ “mút” một chút. Ở miền Nam, nó có nghĩa là: cuối, sau cùng, tuốt luốt, chót vót, hết… Chứ tuyệt nhiên không có nghĩa giống chữ “mút” trong tiếng Bắc.

“Con chim đậu mút trên đọt cây, ngồi canh nó đáp tới mút mùa cũng hổng thấy.” Giản dị vậy thôi, vậy mà có ông kia cũng lên báo nói như đinh đóng cột rằng địa danh Xoài Mút là do chỗ đó có giống xoài ăn bằng cách “mút” 🤣 Nghe xong, vẫn là câu trên, “dòng thứ điên!”. Bởi dân miền Nam nói “nút” để diễn tả khái niệm hút cái gì đó bằng miệng. Mút mùa là hết mùa, chỉ có vậy thôi. Còn địa danh ở miền Nam, nhứt là ở miền Tây, thì rất nhiều nơi bắt nguồn từ tiếng Miên, nên đừng dùng tiếng khác để giải nghĩa rồi in sách, chúng cười chết.

MÚT CHỈ CÀ THA

– Cà Tha là tên một loại bùa Miên (trong tiếng Khmer thì kartha còn có nghĩa là bùa), người ta thường sên bằng dây chỉ nhập lại rồi cột thắt rút, bản thân sợi dây là bùa, hoặc thỉnh thoảng có thêm một thứ pháp khí gì đó hoặc bùa giấy được gói trong giấy vàng, xếp lại thành hình tam giác cân cạnh 3-4 cm, rồi cột lên đeo chung với sợi chỉ Cà Tha.

– Con nít thời tôi trở về trước ở thôn quê có nhiều đứa sống không thọ, tin là bị ma quỷ bắt đi, nên mấy nhà mê tín thường đi tới chỗ thầy pháp để thỉnh bùa Cà Tha về cho tụi nó đeo cổ, nhà nào chơi lớn còn đeo luôn cả cổ tay cổ chân hoặc đeo chéo bả vai. Có mấy câu chuyện hài hước người ta chọc mấy người nhát, là “đeo dây bùa ngang bụng” hoặc “dây Cà Tha đỏ cổ”.

– Con nít đi chơi, say sưa giỡn hớt, dây Cà Tha sút sổ hoặc là đứt rớt mất, về nhà ba má quở “đi chơi sút chỉ Cà Tha luôn há!”

– Câu “đi mút chỉ” và trạng thái “sút chỉ Cà Tha” về cơ bản hiểu thông với nhau, đi mải miết, đi không về, đi biền biệt… “Mút chỉ Cà Tha” ra đời như một kiểu chơi chữ kết hợp giữa “mút chỉ” và “chỉ Cà Tha”. Gần giống với câu này, có câu “đi mút mùa Lệ Thuỷ”.

– Để chỉ việc đi xa một nơi không biết, người miền Tây nhiều nơi nói “đi Xà Tón” hoặc “đi Xà Tón nắn nồi“.

hình dưới là cảnh một thầy pháp trong y phục sư Nam Tông đang làm dây bùa Cà Tha.

Vậy heng!

Select your currency
JPY Đơn vị tiền Yên Nhật
0
    0
    GIỎ HÀNG
    Your cart is emptyReturn to Shop