¥ 0
© 2024 — Hai Le

ĐI BÁN MUỐI RỒI ĐI XÀ TÓN

Bài này tôi viết cách đây hai năm, nay san nhuận lại để nói tiếp theo chủ đề phương ngữ Nam kỳ. Sau bài này tôi sẽ đi tới chủ đề chua hơn một chút là giải mã bài ca Bắc Kim Thang, xin mọi người có rảnh đọc và bàn chơi cho vui, từ chuyện văn tự cho tới chuyện bị xâm lược văn hoá từ xưa tới nay.

Dân Việt kiêng kỵ chuyện chết chóc, nên tạo ra rất nhiều từ ngữ để dùng thay cho chữ “chết”. Dân Nam kỳ Lục Tỉnh cũng vậy không khác. Để nói về chuyện ai đó chết, tình cảm hay lịch sự thì nói “mất”, “đi”, “theo ông theo bà” như những nơi khác, còn thông tục bỗ bã thì nhiều vô số kể: đi bán muối, đi Xà Tón, ngủm cù đèo, ngủm củ tỏi, ngủm, lụm, lụm mạng, đứt bóng, đứt bóng đèn, tử ẹo, rụng, rụng nụ, đi núi, dong, tiêu, tiêu tùng, tiêu tán thòn, gặp Diêm Vương, xuống Diêm Vương, ra nghĩa địa, vô hộp, ra đất gò…

Trừ những trường hợp có thể hiểu trực tiếp, thì hai từ “đi bán muối” và “đi Xà Tón” có lẽ cần giải thích một chút để người trẻ có thể cùng tìm hiểu lại. Cũng có một số giả thiết đã được ra sách hoặc in báo, nhưng do những vị này không phải dân gốc và không hiểu tính người miền Tây nên đã lý giải sai hoàn toàn. Giới trẻ thường bị đứt gãy truyền thông với người lớn tuổi, muốn tìm sách vở để đọc thì gặp ngay những cách lý giải này, khiến cho sự mất gốc ngày càng trở nặng. Sách vở viết về Nam kỳ, giới trẻ chỉ nên đọc Vương Hồng Sển và Sơn Nam trong sự thận trọng.

3 GIẢ THIẾT SAI VỀ NGUỒN GỐC TỪ “ĐI BÁN MUỐI” Ở MIỀN TÂY

1. “ ‘Diêm’ trong ‘Diêm vương’ đồng âm với chữ ‘diêm’ nghĩa là muối”. Cái này sai bét, dân miền Tây nói Nho ra Nho, Nôm ra Nôm, huỵch toẹt thẳng tưng không cần diễn giải. Giống như nói bánh tét là vì bánh đó khi ăn thì lấy cọng dây tét cái bánh ra, chứ không phải trại ra từ chữ Tiết hay Tết, vì bánh này gói quanh năm.

2. “Do thời Pháp cấm bán muối tư nhân nên ai đi bán muối lậu là phạm tội chết”. Cái này thì càng sai nặng, chế độ nhà nước công quản nghề muối đã có từ thời Lý Trần và xuyên suốt qua các triều đại trong lịch sử nước ta. Pháp tới họ cũng chỉ dùng lại chính sách này. Và nếu bán muối lậu thì bị tịch thu hoặc bị làng phạt tiền, nặng hơn thì đóng trăng một buổi rồi thả về thôi. Nấu rượu lậu cũng vi phạm luật công quản này cùng mức độ, nhưng có ai nói “đi bán rượu” là đi chết đâu.

3. “Do đi bán muối là phải đi đường nguy hiểm chết chóc”. Cái này cũng sai logic và sai bét về thực tế, dân thương hồ ở miền Tây đi bán trăm vạn thứ hàng hoá trên ghe xuồng, quanh năm chu du trên khắp sông rạch Nam Kỳ Lục Tỉnh, từ bán mía cho tới bán dừa khô, không riêng gì bán muối, cũng không có gì nguy hiểm kiểu như một đi không trở lại cả.

Ngoài ra, cả ba giả thiết trên hầu như không có liên quan gì cụ thể tới đặc trưng của người miền Tây hết trọi.

ĐI BÁN MUỐI VÀ ĐI XÀ TÓN

Chợt nhớ tới một từ khác ít dùng hơn, cũng có nghĩa là chết, nhưng mà ý nghĩa giỡn hớt vui hơn, là “đi Xà Tón” hoặc “đi Xà Tón nắn nồi”. Cái này lớp trẻ miền Tây bây giờ chắc ít nghe tới. Xà Tón là một địa danh gốc Khmer, có thật, thuộc vùng Tri Tôn – An Giang bây giờ. Nơi này nguyên là lãnh địa của người Khmer, họ chuyên nghề nắn nồi đất và lò đất, kêu là cái Cà Ràng.

Hàng năm, người Khmer hoặc dân thương hồ người Việt đi những chiếc ghe lớn chất đầy nồi đất và Cà Ràng từ Xà Tón xuôi dòng Mekong đi bán dạo khắp xứ Nam Kỳ. Dân Nam Kỳ không biết Xà Tón ở đâu, chỉ thấy ghe người xứ đó đến rồi đi và biết rằng nó xa xôi cách trở. Nên hình ảnh “đi Xà Tón” hoặc “đi Xà Tón nắn nồi” gợi nhớ đến sự ra đi về nơi xa.

Chính chỗ này có thể liên tưởng tới những ghe muối của người xứ biển cũng lênh đênh tới thôn xóm Nam Kỳ, họ có thể là dân ở vùng Bạc Liêu – Giá Rai, địa danh lạ lẫm và có hơi Khmer; họ có thể là dân Trung Kỳ với gò má cao và giọng nói trọ trẹ lạ tai mà người miền tây hay kêu là “dân ghe bầu”… Việc nói ai đó đi theo ghe muối đi bán có lẽ làm liên tưởng tới hình ảnh đi nơi xa, từng nghe chưa từng thấy.

Mặt khác, muối cũng là một vật phẩm dùng để cúng linh hồn người chết. Ở nơi khác vẫn cúng bằng gạo muối, nhưng ở miền Tây thì bây giờ giỗ quải vẫn có một mâm “cúng đất đai” với đầy đủ thức ăn và gạo muối để trong dĩa trong chén để cúng các cô hồn không thân thích không người thờ tự. Trà rượu bông hoa có thể khuyết, nhưng gạo cùng muối như một lễ phẩm không thể thiếu, được gắn liền với tư duy về người âm và chuyện tâm linh.

CHỦ VỰA MUỐI

Như đã nói ở trên và trong những bài trước, dân miền Tây chế thành ngữ chủ yếu là nhìn sao nói vậy và liên tưởng gần giống, rất ít thấy những thành ngữ xuất xứ từ điển tích xưa cũ.

Những người đã mất, cô hồn, được người sống cúng gạo muối, nên được liên tưởng là họ có nhiều gạo nhiều muối. Mà dân miền Tây, cái gì nhiều quá ăn không hết thì nghĩ tới chuyện “bán”. Người chết thì có nhiều muối, nhiều mà không ăn thì để bán, đi bán muối nghĩa là chết rồi. Cách liên tưởng này cũng dễ thương, và chắc là có nhiều người sẽ hỏi sao không nói “đi bán gạo” để diễn tả cái chết.

Vậy thì phải trở lại đoạn trên, ghe muối mới là ghe đi bán dạo ở xa, còn gạo thì khắp Nam Kỳ nhà nào cũng trồng nên không có ai đi chở ghe đi bán dạo kiểu đó. Với lại người bán gạo thường là “hàng xáo” ngoài chợ, là các bà các cô các mẹ ngồi trước mấy thúng gạo thúng tấm cám, ngày nào đi chợ cũng thấy, hình ảnh gần gũi quen thuộc, không gợi nên cảm tình là đi xa, thành thử trong bộ sậu gạo muối, người ta chỉ nói đi bán muối là diễn tả cái chết.

Cũng cần phải nói thêm, không ai nhìn người bán muối với con mắt điềm lành điềm dữ vì câu nói này, và nghề bán muối vẫn là nghề bình thường không có gì kiêng kị hết ráo.

KẾT LUẬN

“Đi bán muối”, một phương ngữ đơn sơ bình dân, nhưng cũng đậm chất trữ tình và gợi cho lòng thương nhớ quê hương cố thổ. Dĩa gạo muối trên mâm “cúng đất đai” gợi lại hành trang của những người rời quê cha đất tổ, gợi lại tấm lòng trắc ẩn của những người dân quê với người sống lẫn với hồn linh đã khuất bằng tín ngưỡng thô sơ không xây dựng bằng giáo lý kinh văn mà bằng tình thương đại đồng.

Chữ “đi bán muối” cũng tếu táo, không hoa mỹ đề cao người đã chết, nhưng cũng nhẹ nhàng không làm chạm vào nỗi đau người thân còn sống. Ừ thì đi bán muối chỉ là cuộc đi xa thôi mà.

Tự nhiên mong sau này khi mình chết, có ai đó nhắc tới tên Hải, mọi người đều có thể nhẹ nhàng buông một câu không buồn không vui, rằng “nó đi bán muối cũng mấy năm rồi”.

Vậy heng!

Select your currency
JPY Đơn vị tiền Yên Nhật
0
    0
    GIỎ HÀNG
    Your cart is emptyReturn to Shop