¥ 0
© 2024 — Hai Le

TÂN THẮNG TỰ DU KÝ

Vùng Quan Đông vốn là đất mới, không thâm trầm cổ kính như cố đô của Nhật Bản. So với nơi phát tích tộc Đại Hoà hay kinh đô Bình An, Quan Đông trẻ phơi phới. Có thể liên tưởng tương đương rằng vùng Quan Đông giống như đất Thuận Hoá, và vùng Quan Tây thì chứa những địa danh Mê Linh, Luy Lâu… của người Việt vậy.

Quan Đông có nhiều danh thắng, cũng không ít công trình văn hoá lịch sử trung đại kỳ vĩ như quần thể Nhật Quang Sơn, nhưng ít nơi là danh địa ngàn năm. Tân Thắng Tự ở Thành Điền tỉnh Thiên Diệp là một biệt lệ.

Năm Thiên Khánh thứ hai, nhằm Công Nguyên năm 940, Tân Thắng Tự đã được khai sơn bởi tổ Khoan Triêu (âm Nhật: Kanchou, 916-998) dưới triều Châu Tước thiên hoàng (âm Nhật: Sugiku, 923-952, thuỵ hiệu: Khoan Minh – Yutaakira).

Trong quan chế Nhật Bản, từ năm 624 đã đặt ra ba chức tăng quan để coi sóc và thống lãnh tăng già cả nước. Trong tiếng Nhật, gọi ba vị này là hàng Tăng Cang, bao gồm ba chức danh cụ thể là: Tăng Chính, Tăng Đô và Luật Sư. Khoan Triêu lúc về già đã được tấn phong chức Tăng Chính, là tăng nhân đầu tiên của Chân Ngôn Tông đảm nhận tước vị quốc sư. Ông cũng được xem là vị tổ trung hưng của Mật tông ở Nhật Bản. Nếu đặt chân đến Tân Thắng Tự, mới thấy được tầm nhìn phi thường của Khoan Triêu khi chọn vùng đất này, những mạch nước vọt ra từ gờ đá chảy ngàn năm không cạn, những làn hương của thảo mộc vô danh quanh quẩn trong khu rừng nhỏ, sơn thanh thuỷ tú, phong quang hoà nhã, thực sự là nơi bảo địa mà hiếm có nơi nào sánh được. Mỗi dịp đầu năm mới, có khoảng 2-3 triệu khách hành hương đến cúng bái và vãn cảnh, nhưng không hề có cảnh xô bồ mà không khí thanh tĩnh tịch mịch vẫn ngự trị thường hằng như ngàn năm qua không đổi.

Thuở ấy, Khoan Triêu là một tăng nhân trẻ, có gốc gác hoàng thất, ông nội của ông là Vũ Đa thiên hoàng (Uda, 867-931), thân phụ của ông là Đôn Thực thân vương (Atsumi, 893-967) hoàng tử thứ tám của Vũ Đa thiên hoàng. Khoan Triêu bén duyên với Phật môn khá sớm, 10 tuổi đã thí phát xuất gia theo Chân Ngôn Tông – một tông phái Phật giáo ở Nhật Bản theo hình thức Mật tông vốn được truyền vào Nhật Bản từ thời nhà Đường bởi du học tăng Không Hải.

Vùng Azuma (Quan Đông ngày nay) lúc bấy giờ xa cách kinh đô, có đại gia tộc Bình Tướng Môn (âm Nhật: Taira no masakado) trấn thủ. Azuma vốn là nơi đất đai phì nhiêu, đồng bằng rộng lớn, kinh tế phát triển, binh bị cường thịnh. Gia tộc Bình Tướng Môn và nhiều gia tộc lãnh chúa khác trong vùng đều có mưu đồ tự lập. Năm 935, triều đình cho làm đường Đông Sơn Đạo để nối hai miền nhằm bình định Azuma, tuy nhiên không còn kịp nữa. Tháng 12 năm 939, gia tộc Bình Tướng Môn xưng là Tân Hoàng, tách ra thành lập quốc gia riêng, sử Nhật gọi là Bình Tướng Môn Chi Loạn (Taira no masakado no ran). Cùng thời điểm này ở nước ta, Dương Đình Nghệ là một hào kiệt đương thời, nuôi 3000 người con nuôi và thống lãnh họ đánh đuổi quân Nam Hán đô hộ năm 931, sau khi thành sự thì ông tự xưng là Tiết độ sứ. Ngô Quyền và Kiều Công Tiễn khi đó đều là con nuôi của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiễu Công Tiễn ám sát. Kiều Công Tiễn tự xưng là Tiết độ xứ, quần hùng nước ta phản ứng dữ dội và khởi binh chinh phạt. Họ Kiều chạy sang phương Bắc nhờ Nam Hán đem quân về đô hộ tiếp. Năm 938, Ngô Quyền trả thù và giết chết họ Kiều; cùng năm đó làm bãi cột gỗ trên sông Bạch Đằng đại phá thuỷ binh Nam Hán.

Trở lại với nước Nhật, Châu Tước thiên hoàng một mặt sai quân đánh dẹp, một mặt ra lệnh cho các tăng sĩ Mật tông làm pháp sự để cầu nguyện cho Bình Tướng Môn hàng phục. Châu Tước thiên hoàng cũng ra một đạo mật chỉ ra lệnh cho sư Khoan Triêu phải đến núi chùa Thần Hộ mang bức tượng Bất Động Minh Vương do sư Không Hải chế tác mấy trăm năm trước đi đặt tại vùng Tổng Quốc (Fusanokuni, huyện Thiên Diệp ngày nay) để trấn thủ non nước ngõ hầu khiến cho phản loạn hàng phục triều đình. Khoan Triêu đã chọn được địa điểm để mở chùa thờ Bất Động Minh Vương tại nơi có Tân Thắng Tự ngày nay.

Sau đó không lâu, lãnh chúa gia tộc Bình Tướng Môn trúng một mũi tên vào giữa trán và tử trận. Đất nước mới thành lập chưa đầy năm của ông ta cũng mất, liên minh các gia tộc khắp vùng Azuma cũng tan vỡ và quay về hàng phục triều đình. Khoan Triêu sau đó hồi kinh, bẩm báo với vua rằng tượng Bất Động Minh Vương bằng gỗ bỗng nhiên như dính liền với đất, dùng trăm ngàn người vẫn không nhấc lên được khỏi nơi đặt tượng để làm lễ. Với niềm tin vào sự hiển linh của Bất Động Minh Vương và đem lại chiến thắng lớn cho triều đình, Châu Tước thiên hoàng đã cho xây một ngôi chùa để thờ, chùa mới xây đã được đặt tên chữ là Thần Hộ Tân Thắng Tự.

Trong Chân Ngôn Tông, Bất Động Minh Vương là hình tướng phẫn nộ của vị Phật tối cao ngự ở trung tâm vũ trụ, mà chúng ta quen nghe với tên khác là Đại Nhật Như Lai hoặc Tỳ Lô Giá Na. Cần chú ý là theo niềm tin Chân Ngôn Tông và Mật giáo thì vị Phật này hoàn toàn khác với Phật A Di Đà ngự ở thế giới Tây phương trong Tịnh Độ Tông.

Khoan Triêu đã vâng lệnh Châu Tước thiên hoàng kiến thiết nên một ngôi già lam để kỷ niệm chiến thắng và thờ cúng Bất Động Minh Vương, chính vì đó, ông cũng được xem là vị tổ sư khai sơn của Tân Thắng Tự.

Từ ga Thành Điền, đi bộ một chút sẽ vào tới con đường Biểu Tham Đạo dẫn tới chính môn của Tân Thắng Tự. Hai bên đường chạm khắc những bức tượng linh thú bằng đá hoa cương theo kiểu chibi rất dễ thương. Đặc sản của Thành Điền có dưa muối, đậu phọng và cơm lươn nướng. Tôi chưa tìm hiểu xem liệu chuyện đặc sản dưa muối được bán quanh chùa có liên quan gì đến dấu tích của một nền thanh quy trai giới nghiêm mật hay không, vì bây giờ tăng lữ Chân Ngôn Tông đã được phép lập gia đình và cũng không còn ăn chay nữa. Tuy nhiên dưa muối ở đây thì giòn ngon và không mặn, rất thích hợp để ăn với cháo trắng trong những ngày nắng nóng hay ai đó muốn thuần chay.

Con đường Biểu Tham Đạo dẫn vào cổng chính của chùa là một con phố cổ sầm uất, hai bên đường có nhiều hàng quán cổ kính, mùi lươn nướng thơm như có mãnh lực níu kéo bước chân du khách. Chúng tôi dừng chân trước một quán có một bác đầu bếp lớn tuổi với áo blouse trắng và nón calo trắng tinh tươm đang ngồi biểu diễn xẻ thịt lươn. Một con lươn sống từ lúc vớt ra khỏi chậu cho tới lúc được lóc hết xương và cắt khúc chưa đầy 30 giây. Chúng tôi ghé vào, người đón khách niềm nở nói còn hơn bốn mươi người đang xếp hàng trước, hỏi chúng tôi có đợi được không. Cả nhóm nhất trí không đợi mà đi sang một quán khác thưa vắng cách đó mấy chục mét. Đây là một quán mì kiều mạch thông thường, nhưng khi ăn mới thấy nước dùng khá đặc biệt mà mùi thơm và vị rất đặc biệt tôi chưa từng ăn ở đâu khác trước tới bây giờ.

Ra đường, nhìn xuống đá lát đường mòn như thể được mài bằng máy, mới cảm nhận được lượng khách du lịch tới đây nhiều tới mức nào. Ngẫm nghĩ về con đường nhân sinh ta đã bước, đã gặp bao nhiêu người, đã quên bao nhiêu người, tất cả duyên khởi trùng trùng pháp giới nhưng cũng là hư không…

Tới cổng chính, hàng cột sừng sững ngàn năm với hệ thống kèo gối con lăn chống động đất trên mái bắt đầu làm cho tôi thấy phát run. Chữ dát vàng, hoa văn dát vàng, mái lợp thanh đồng uy nghi tráng lệ. Chạm tay vào những cây cột tròn với những lằn vân gỗ tuyệt đẹp, như cảm nhận được linh khí của công trình ngàn xưa, cảm nhận được bàn tay kỳ công của những người thợ mộc tài hoa, cảm nhận được văn hiến và sự giàu sang tột đỉnh.

Lên một lớp tam cấp cao dựng đứng nữa là cửa Nhân Vương có tượng bốn Kim Cang Lực Sĩ, các đầu hồi chạm hình đầu sư tử theo tưởng tượng của người xưa, vô cùng sinh động và đặc trưng không nơi nào có được. Bên dưới an trí bốn bức tượng Kim Cang đứng đâu lưng lại mỗi bên hai tượng, tướng tá cơ bắp, mặt mũi dữ dằn, sinh động như người thật, kể cả y phục và các dải nhiễu quấn trên thân cũng sống động như đang thực bay trong gió. Kế cổng Kim Cang là cái hồ nhỏ với hai hòn đảo nhỏ giữa hồ có hình dáng y đúc một con rùa lớn. Tục truyền rằng ném một đồng tiền lên lưng rùa đá rồi ước, nếu đồng tiền nằm yên trên lưng rùa thì điều ước sẽ thành hiện thực. Có lẽ rất nhiều người tin truyền thuyết này, nên lượng tiền xu rơi trên lưng rùa đã đầy lấp lánh dưới nắng xuân, tiếc là những đồng tiền bên dưới nước cũng nhiều gấp trăm ngàn lần, đã đầy vung lên gần tới mặt nước, có lẽ phải tính bằng tấn. Không biết rùa đá đã nghe bao nhiêu lời nguyện ước của nhân gian, nhưng biết ngàn năm qua con người chưa hề thôi mơ ước về những điều cách xa và quên đi những thực tại gần gũi bên mình. Tôi chợt nghĩ về những được mất nhục vinh thành bại trong cuộc đời mình, những giây phút tối tăm nhất cũng từng có, những mộng ước ban đầu cũng đã rời xa tay với, vui buồn sướng khổ, tất cả biến thành những hương vị tuyệt hảo của gian trần. Kẻ phàm phu có những phút giây hoài cảm và ước vọng, thô sơ tin vào một lời truyền âu cũng là điều dễ hiểu, rùa đá vẫn nằm đó, nghe những mộng ước của thế gian.

Qua cầu là tới tiếp một bậc tam cấp cao thẳng đứng, hai bên là một rừng bia đá từ xa xưa và thanh bảo kiếm Câu Li Gia La khổng lồ bằng đồng được cắm thẳng đứng. Theo quan điểm của Mật tông, kiếm Câu Li Gia La là pháp khí của Bất Động Minh Vương, hàng ma phục yêu và đoạn trừ hết tham sân si của người học đạo. Ở chỗ người ta ném tiền để cầu khấn, các cao tăng từ ngày xưa đã khéo léo dựng một thanh kiếm khổng lồ của Phật để cắt đứt hết tham dục thế gian mà vào cửa già lam. Tôi đã thầm hiểu vì sao chốn chùa chiền của Nhật, dù theo tông phái nào, dù đông đúc hay hoang liêu, dù mới mẻ hay cổ kính, đều toát lên vẻ thanh tịnh và cao nhã không thể diễn tả bằng văn tự. Đến bằng tâm vô cầu thì được đón bằng tâm vô cầu vậy, chỗ xôi thịt sẽ hợp người xôi thịt chứ chẳng có gì lạ lùng. Biết đâu, ở những nơi quốc độ suy đồi, triều chính vô đạo, xôi thịt cũng là một pháp môn độ cho các chúng sinh xôi thịt.

Dưới chân tam cấp nhìn lên chỉ thấy mây trời xanh thẳm, hai bên là những thân cổ thụ đủ giống đủ loại, mùi trầm hương phảng phất như thể gột rửa nốt những hạt giống tam muội còn sót lại. Trước mặt là một chánh điện hùng vĩ nhưng xây dựng đơn giản đến khó tin. Bên trái là khu ghi danh nhận các lễ cúng, sâu hơn bên trong là Thích Ca điện, bên phải là Tam Trùng Tháp sơn son thếp vàng trang hoàng lộng lẫy cùng điện thờ Thánh Đức Thái Tử và Nhất Thiết Kinh Đường – nơi chứa tất cả kinh điển và thần chú Mật tông.

Chánh điện mới được tái thiết năm 1968, mái lợp đồng, cửa cũng bằng đồng, hầu như không có hoa văn nào. Bậc thềm đá sau mấy chục năm đã mòn nhẵn bước chân du khách. Trong điện thờ Bất Động Minh Vương, cách biệt với cửa chính là một bức tường bằng kính trong suốt.

Thích Ca điện bên trái được kiến thiết từ xưa, toà nhà này cùng những văn vật trên mình nó là quốc bảo của Nhật Bản. Đặc biệt nhất là những bức phù điêu cảnh Nhị Thập Tứ Hiếu và 500 La Hán. Hình ảnh các La Hán sinh động với rất nhiều tư thế từ uống trà, làm bánh, bắt mạch, giặt cà sa, bố thí ngạ quỷ, thuần phục ác thú, giảng kinh, toạ thiền, viết chữ, đọc sách… như cả một thế giới thu nhỏ được thể hiện tài tình qua đường điêu khắc. Nhìn vào đó, có thể thấy được văn hiến, trang phục, giày dép, cảnh sắc… của xã hội Nhật thời cổ xưa và nhãn quan về thế giới cực lạc của Phật giáo Chân Ngôn Tông đương thời. Những trải nghiệm này thực sự là vốn quý mà được chứng kiến tận mắt là một cơ hội hiếm có trong đời để trực tiếp chạm vào văn hiến cổ xưa.

Năm 938 ở nước ta Ngô vương đánh tan quân Nam Hán, thì năm 939 ở bên Nhật cũng có cuộc thảo phạt của triều đình Châu Tước thiên hoàng đánh dẹp nội loạn Bình Tướng Môn và chùa Tân Thắng được kiến thiết. Cảm giác gần gũi với Nhật Bản của tôi có lẽ đến từ sự liên tưởng đến các niên biểu trong lịch sử Việt Nam. Người Nhật khéo giữ gìn di sản của tiền nhân, nên hậu thế có nhiều cơ hội chiêm ngắm lịch sử. Tôi đi dạo trong khu rừng ở hậu viện, thấy một am cốc tên là Tẩy Tâm Đường, phía trước có một ngọn thác nhỏ chảy thẳng đứng như dải lụa rất đẹp. Đọc văn bia thì thấy nói hàng trăm năm qua nơi này là đạo tràng riêng để chư tăng có thể tu hành dưới cái lạnh thấu xương của thác nước, hoặc là nơi thực hiện giới luật cấm túc những tăng sĩ phạm giới. Tuy nhiên theo đà phát triển của thời đại, Tẩy Tâm Đường đã đóng cửa, ngoài sân đã làm một hàng rào trúc kết giới, rêu phong mọc xanh thẫm, chỉ còn ngọn thác Hùng Phi là vẫn ầm ầm chảy mãi. Ngọn thác này còn có một chỗ tinh diệu, đó là chỗ nó chảy ra không phải là vách núi lớn hay bờ đá to, mà chỉ là một vách đá mỏng manh nhỏ bé như được chất lên từ những tảng đá nhỏ rời rạc; theo lý thông thường thì sẽ không thể nào có nước chảy từ đây, nhưng thác nước cứ ầm ầm tuôn chảy không ngừng nghỉ. Càng thêm thấy sự phi thường của người xưa và sự giữ gìn của người thời nay. Một nơi tuyệt diệu thế này nhưng không thu tiền vé vào cửa, điều mà các tự viện danh tiếng ở vùng Quan Tây đã không làm được.

Trong quần thể Tân Thắng Tự còn nhiều chỗ rất đáng để tả lại ở đây, chuyến du ngoạn của chúng tôi còn khá dài với những trải nghiệm lý thú. Nhưng bài đã khá dài, xin gác bút lại để dành dịp khác.

Select your currency
JPY Đơn vị tiền Yên Nhật
0
    0
    GIỎ HÀNG
    Your cart is emptyReturn to Shop